Bánh đúc lá dứa không chỉ hấp dẫn mà còn cực kỳ bắt mắt bởi màu xanh tươi mát kích thích cả vị giác và thị giác. Bạn hãy thử tài khéo tay với cách làm bánh đúc lá dứa đậm vị truyền thống trong bài viết dưới đây nhé, chắc chắn chỉ trong vài công đoạn đơn giản bạn sẽ có ngay món bánh siêu ngon chiêu đãi cả nhà đấy!
Bánh đúc là món ăn dân dã nổi tiếng khắp ba miền đất nước, từng miếng bánh giòn, mịn, mát lại dễ khiến người ta no bụng được xem là thức quà quê đầy ý nghĩa. Bánh đúc không chỉ hấp dẫn với hương vị thơm ngon, mà còn thu hút người thưởng thức bởi sự tiện dụng khi có thể ăn kèm với: canh riêu cua, mắm tôm, rau thơm, mật mía, mứt trái cây…, hay thậm chí là với thịt kho, cá kho tùy theo sở thích.
Từ món bánh đúc truyền thống, người ta còn biến tấu với các loại bánh như: bánh đúc cẩm thạch, bánh đúc dừa, bánh đúc lạc, bánh đúc ngô…, tuy nhiên, bánh đúc lá dứa lại là món bánh hút người thưởng thức nhất bởi gam màu xanh tươi mát. Bạn đã biết cách làm bánh đúc lá dứa nước cốt dừa chưa? Cùng Daylambanh.edu.vn xem hướng dẫn chi tiết dưới đây và bắt tay vào thực hiện ngay nhé!
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Bột năng 200gr
- Bột gạo tẻ 200gr
- Đường cát trắng 300gr
- Muối ½ muỗng cà phê
- Gừng tươi ½ củ
- Lá dứa 1 bó
- Nước cốt dừa 150ml
Hướng dẫn làm bánh đúc lá dứa ngon ngất ngây tại nhà
Công đoạn làm bột bánh
Rửa sạch lá dứa, cắt bỏ phần gốc rồi cho thêm 400ml vào cùng để xay nhuyễn. Sau đó, bạn cho hỗn hợp qua rây, lọc bỏ phần bã lá dứa, giữ lại phần nước.
Tiếp theo, bạn cho muối, 200gr đường và 100ml nước cốt dừa vào hòa tan cùng phần nước lá dứa vừa làm.
Trộn đều hai loại bột vào nhau rồi rây mịn. Kế đó, bạn cho phần hỗn hợp nước lá dứa vào và khuấy đều theo chiều kim đồng hồ đến khi hỗn hợp bột đồng nhất thì ngưng. Lúc này, bạn dùng màng thực phẩm bọc kín hỗn hợp và để bột được nghỉ trong khoảng 30 phút.
Sau khi bột đã nghỉ đủ 30 phút, bạn cho bột vào nồi và đun với lửa vừa đến khi hỗn hợp sôi thì hạ nhỏ. Lưu ý trong thời gian nấu, bạn phải liên tục dùng đũa khuấy đều để tránh bột bị bong bóng.
Công đoạn làm bánh
Khi bột đã hòa quyện vào nhau, bạn tắt bếp và cho bột vào khuôn để hấp chín. Để bột không bị dính lại trên mặt khuôn, bạn nhớ quết một lớp dầu ăn mỏng lên nhé. Khi bánh chín, bạn dùng muôi đề chặt bánh xuống để tạo thành một khối bánh cứng. Nếu muốn bánh giòn và dẻo hơn, khi bánh nguội bạn hãy cho bánh vào ngăn mát tủ lạnh để trong khoảng 30 phút trước khi dùng.
Làm nước đường ăn bánh đúc
Trong thời gian đợi bánh nguội, bạn hãy bắt tay vào làm phần nước đường bánh đúc. Đầu tiên, bạn rửa sạch củ gừng, bỏ vỏ rồi xay nhuyễn cùng chút nước.
Sau đó, bạn hòa phần đường cát, nước cốt dừa còn lại cùng 400ml nước và bắt lên đun nấu với lửa vừa. Khi nước vừa sôi, bạn hạ lửa nhỏ và cho gừng băm nhuyễn, 3gr bột năng vào khuấy đều tay. Khi hỗn hợp đặc lại, bạn nêm nếm lần cuối rồi tắt bếp.
Hoàn thành và thưởng thức
Sau khi hoàn thành công đoạn chế biến bánh, bạn lấy bánh ra xếp lên dĩa cho đẹp mắt rồi chuẩn bị thêm nước chấm để thưởng thức. Bánh đúc lá dứa có thể dùng khi nóng hoặc nguội đều được.
Yêu cầu thành phẩm
Bánh đúc lá dứa sau khi làm sẽ có độ dẻo, mịn, dai và có hương thơm thoang thoảng của lá dứa. Từng miếng bánh có vị thanh ngọt vừa phải, khi ăn cùng với nước cốt dừa sẽ tạo nên độ ngọt, béo, bùi bùi hấp dẫn.
Những điều cần lưu ý khi làm bánh đúc lá dứa
- Nếu bạn sử dụng loại bột tự làm thì nên chú ý đến việc ngâm và thay nước để bột nở mềm hơn, loại bớt mùi bột khô. Tuy nhiên, cần chú ý không nên để lượng nước quá nhiều.
- Nếu muốn bánh đúc giòn hơn có thể tăng lượng bột gạo, muốn bánh dẻo hơn thì tăng lượng bột năng.
- Nếu muốn bánh có độ cứng hơn có thể giảm bớt lượng nước.
- Trường hợp thấy bột bánh càng đặc lại thì càng phải nhỏ lửa.
- Khi khuấy bột nên dùng phới lồng để bột được mịn màng hơn.
Vậy là chúng ta vừa hoàn thành xong cách làm bánh đúc lá dứa ngọt thật thơm ngon và đơn giản tại nhà, hi vọng với công thức làm bánh chi tiết này bạn sẽ có món bánh thật ngon để chiêu đãi người thân và bạn bè. Ngoài cách làm bánh đúc lá dứa, bạn còn có thể tham khảo thêm cách làm bánh đúc lá dứa có gân hay cách làm bánh đúc gân lá dứa giòn để thay đổi khẩu vị nữa đấy. Chúc bạn thành công với niềm đam mê làm bánh!