Bánh đúc mặn là sự kết hợp hoàn hảo của bột gạo với nhiều loại gia vị, mang đến hương vị thanh mát, nhẹ nhàng cho người thưởng thức. Hãy tham khảo cách làm bánh đúc mặn tại nhà ngon chuẩn vị dưới đây.
Đi du lịch Sài Gòn hoặc du lịch miền Tây Nam Bộ, du khách mê bánh đúc nhất định đừng bỏ qua món bánh đúc mặn dân dã, dễ ăn dễ làm nơi đây. Thậm chí du khách cũng có thể tự học cách làm bánh đúc mặn vô cùng đơn giản mà vẫn đảm bảo chuẩn vị.
1. Tìm hiểu về món bánh đúc mặn
Bánh đúc là một món bánh truyền thống, dân dã của nước ta. Du khách nào có dịp đi du lịch miền Bắc hoặc du lịch miền Trung sẽ được thưởng thức món bánh này với thành phần 100% bột gạo, còn nếu du lịch miền Nam thì bánh đúc có cách biến tấu độc đáo hơn, đó là thêm bột năng. Về hình thức cách làm bánh đúc mặn đều thống nhất chung là làm theo tấm to, khi ăn mới cắt thành từng miếng nhỏ tùy ý.
Về công dụng, bánh đúc không chỉ là một món ăn vặt mà còn có công dụng ăn mát, no nhưng dễ tiêu, giải nhiệt. Tùy vào mỗi địa phương mà sẽ có các cách thưởng thức bánh đúc khác nhau. Ví dụ ở miền Bắc người ta hay ăn bánh đúc chấm tương hoặc ăn với bún riêu cua… Còn ở miền Trung thì lại ăn kèm với mắm tôm, mật mía hoặc các món cá hoặc thịt kho. Ở miền Nam lại đặc biệt chuộng món bánh đúc mặn nhờ có phần nhân kết hợp sẵn bên trong.
2. Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh đúc mặn
Như đã đề cập ở trên, ở miền Nam người dân rất thích bánh đúc dạng “tất cả trong một”, tức là có sẵn nhân mặn, có thể dùng hoặc không dùng thêm nước chấm đều được. Dưới đây là các nguyên liệu cần chuẩn bị để làm món bánh đúc mặn chuẩn vị Sài Gòn:
2.1. Phần bột bánh
- Bột gạo 240g;
- Bột năng 100g;
- Các loại gia vị: muối, đường;
- Nước lạnh: khoảng 500ml;
2.2. Phần nhân bánh
- Thịt heo xay: 200g;
- Tôm tươi: 200g (nếu có);
- Hành lá: 2 nhánh;
- Cà rốt: 1 củ;
- Sắn cắt hạt lựu: 1 củ;
- Hành tím: 3 củ;
- Ớt: 1 quả;
- Chanh: 1 quả;
- Các loại gia vị: hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay, nước mắm, muối.
3. Hướng dẫn cách làm bánh đúc mặn đơn giản
Trong nhiều cách làm bánh đúc thì bánh đúc mặn cần nhiều công đoạn và đòi hỏi thời gian tỉ mẩn nhất định. Để cho ra lò một mẻ bánh đúc mặn chuẩn vị kết hợp nhiều nguyên liệu, bạn có thể làm theo từng bước hướng dẫn sau:
3.1. Sơ chế các nguyên liệu
- Gọt vỏ sắn và cà rốt, rửa sạch và bào sợi hoặc thái hạt lựu (tùy ý thích);
- Băm nhuyễn 3 củ hành tím, 2 tép tỏi;
- Rửa sạch hành lá, thái nhỏ;
- Ướp thịt heo xay với 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng nước mắm, ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng tiêu xay và ½ muỗng hành tím băm rồi trộn đều, ướp trong 15 phút cho thịt thấm đều gia vị;
- Tôm khô (nếu có) rửa sạch và ngâm trong nước ấm khoảng 10 phút, sau đó cắt nhỏ.
3.2. Cách pha bột làm bánh đúc mặn
- Cho 240g bột gạo và 20g bột năng vào tô, thêm 1 muỗng muối rồi trộn đều. Lần lượt cho 300ml nước và liên tục khuấy cho đến khi bột hết vón cục;
- Chuẩn bị sẵn 1 khuôn bánh đúc sạch, quét 1 lớp dầu ăn vào đế khuôn để bánh không bị dính;
- Khuấy đều phần bột ở trên trước khi đổ vào ⅓ khuôn và đặt vào nồi hấp, đặt thời gian hấp trong 7 phút;
- Sau 10 phút mở nắp nồi và đổ thêm ⅓ bột còn lại cho đến khi hết bột, hấp thêm 15 phút nữa để bánh chín hoàn toàn;
- Lấy khuôn ra khỏi nồi và đợi bánh nguội bớt.
Mẹo nhận biết bánh đúc chín hay chưa: Dùng một cây tăm cắm vào bánh và rút lên, nếu thấy bột còn bám vào tăm tức là bánh chưa chín, cần hấp thêm.
3.3. Cách làm nhân bánh đúc mặn
- Cho dầu ăn vào chảo chống dính. Đun nóng dầu rồi cho tỏi băm và hành tím băm nhỏ vào phi thơm;
- Cho phần tôm khô xắt nhỏ vào đảo đều, được khoảng 1 phút thì tiếp tục thêm thịt băm đã ướp vào xào săn lại;
- Nêm nếm gia vị cho thịt: ½ muỗng bột nêm, ½ muỗng đường rồi đảo đều để thấm đều gia vị;
- Tiếp đến cho các nguyên liệu còn lại gồm: củ sắn, cà rốt, hành lá vào chảo. Nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn, lưu ý không quá mặn vì bánh đúc mặn còn được ăn kèm với nước mắm.
3.3. Cách làm nước mắm ăn bánh đúc mặn
Vì nhân bánh đúc mặn vốn đã thấm đều gia vị nên bạn có thể cân nhắc làm thêm nước chấm hoặc không. Nếu thích vị đậm đà hơn khi ăn, bạn có thể làm nước chấm theo công thức sau:
- Cho vào chén 70ml nước sôi còn nóng;
- Thêm vào 1 muỗng đường, 3 muỗng nước mắm, 2 muỗng giấm (hoặc ½ trái chanh) rồi khuấy đều cho đường tan hết;
- Cuối cùng cho phần tỏi ớt đã băm nhỏ vào.
3.4. Hoàn thiện món ăn
Sau khi hấp chín, đợi bánh đúc mặn nguội bớt rồi bạn cho bánh ra đĩa, cắt thành nhiều miếng nhỏ vừa ăn. Rải đều nhân lên mặt bánh rồi chấm với nước mắm đã làm và thưởng thức.
Lưu ý: Để ngon hơn bạn có thể ăn kèm với cà rốt chua ngọt, rau sống hoặc ít giá sống trụng sơ qua nước.
Để thuận tiện cho hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực đa dạng ở Sài thành, du khách hãy chọn cho mình một địa điểm lưu trú tiện nghi và có vị trí ở trung tâm nhé. Khách sạn Vinpearl Landmark 81, Autograph Collection chắc chắn là một trong những đề cử tốt nhất cho du khách.
Như vậy bài viết đã hướng dẫn bạn cách làm bánh đúc mặn đơn giản, dễ thực hiện. Chúc các bạn thành công với món ăn truyền thống, dân dã gắn liền với tuổi thơ này nhé!